Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trải qua nhiều thế kỷ, cộng đồng các dân tộc đã gắn bó đoàn kết xây dựng đất nước, chống lại kẻ thù. Mỗi dân tộc có một phong tục tập quán và bản sắc riêng, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho nền văn hóa đất Việt.
Ở các khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, đó là nơi tập trung chủ yếu của đồng bào Cơ Tu. Cũng như các dân tộc anh em khác, người Cơ Tu cũng có những nét đẹp văn hóa riêng, tiêu biểu trong đó chính là điệu “Hát lý nói lý”.
Hát lý nói lý là hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến trong cộng đồng người Cơ Tu. Theo bác Alăng Mỹ, đồng bào Cơ Tu sống tại thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc cho biết: “Nói lý hát lý được xem như một cách chuyện trò, hoặc có lúc là tranh tài cao thấp giữa những người cao tuổi trong và ngoài làng, giữa chủ nhà với khách. Đây cũng là cách để giải quyết các mâu thuẫn trong các mối quan hệ bạn bè, gia đình, xã hội”. Cái lý ở đây là dùng hình tượng ẩn dụ, nhân hóa, ví cái này với cái kia, vì thế nói lý hát lý luôn kích thích người nghe, giúp đối phương hiểu rõ sâu sắc, cặn kẽ, chí tình câu chuyện, đồng cảm với nhau. Một người nghệ nhân giỏi nói lý hát lý phải là một người có kinh nghiệm sống, có hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán, sông suối, cây cối, tập tính con chim trên rừng, con cá dưới suối,.. để tìm ra những pháp so sánh ẩn dụ thích hợp. Họ cũng cần có khả năng ứng khẩu nhanh, chất giọng truyền cảm. Và sau tất cả, mục đích của nói lý hát lý là tạo sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nghệ thuật truyền thống khác, nói lý hát lý cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Dần dần chỉ còn những già làng, người lớn tuổi trong khu vực biết đến nét văn hóa này. Trước nguy cơ đó, các trường học, ban cán bộ phối hợp với các già làng và các nghệ nhân, thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt nói lý hát lý, nhằm mục đích lưu truyền, cũng như giúp lớp trẻ Cơ Tu hiểu biết sâu sắc hơn về những nét đẹp văn hóa dân tộc. Các em cũng rất hưởng ứng.
Năm 2015, nghệ thuật nói lý hát lý của đồng bào Cơ Tu đã được Bộ Văn Hóa, Thông Tin và Du Lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Tại căn nhà Gươl thôn Tà Lang, bên ánh lửa thiêng, điệu “Lý” được cất lên, vang vọng giữa đại ngàn. Những ly rượu nâng lên chúc mừng mùa lúa mới, xen vào đó là câu chuyện con thú trên rừng, chuyện nương chuyện rẫy,… Các anh trai, chị gái trong bộ đồ truyền thống, khi tiếng cồng chiêng vang lên cũng là lúc điệu múa Tung Tung Za Zá (hay còn gọi là Vũ điệu dâng trời) bắt đầu. Ngồi giữa núi rừng hùng vĩ, chứng kiến vẻ đẹp truyền thống văn hóa đồng bào mình, tôi thầm nghĩ rằng mình cần phải làm một điều gì đấy để mai sau, lớp trẻ còn được xem được những nét đẹp này, và tự hào về tổ quốc mình với 54 dân tộc anh em.