Hằng năm cứ vào dịp đầu xuân, bên bờ Cu Đê lại rộn ràng tiếng hò reo của lễ hội đua thuyền, đây là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân thành phố Đà Nẵng, thu hút hàng nghìn người dân địa phương tham gia và cổ vũ.
Theo lời người lớn kể lại, lễ hội đua thuyền đã có từ lâu đời. Lễ hội được tổ chức vào tháng giêng âm lịch hằng năm với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, kênh rạch khai thông, tôm cá đong đầy. Đây cũng là hoạt động nhằm chào mừng ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, đồng thời phát động phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Hoạt động đua thuyền trên sông Cu Đê do Uỷ ban nhân dân quận Liên Chiểu tổ chức với sự góp mặt của gần 200 thành viên các đội đến từ Hòa Vang, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn,.. được chia thành nhóm đua bơi nam nữ. Trong tiếng hò reo của người dân và khách du lịch, những chiếc thuyền mạnh mẽ lướt nhanh trên mặt sông, mái chèo vung thật nhịp nhàng cùng những tiếng “hô lên” đầy mạnh mẽ và dứt khoát, thể hiện sự nỗ lực tuyệt vời của các vận động viên.
Người dân quan niệm rằng, đội thuyền của làng nào chiến thắng cuộc thi thì làng đó sẽ gặp được may mắn, mọi chuyện công việc đều tốt đẹp hơn so với các làng khác, thế nên trong làng, bà con ai cũng đều mong muốn dành được chiến thắng.
Trước lễ hội đua thuyền, các làng xã sẽ bắt đầu lựa chọn trai tráng, ai nấy cũng đều bận rộn, nhóm thì đi tập luyện, nhóm thì ngồi lại phân tích đối thủ, bàn bạc chiến lược. Kinh phí để tổ chức cho cuộc thi đa phần đều là đóng góp từ các hộ gia đình trong khu vực, mỗi người góp một ít tùy điều kiện, có người thì góp công sức chăm lo các tuyển thủ, người thì động viên tinh thần. Những giây phút đó đã giúp cho tất cả mọi người xích lại gần nhau hơn.
Chính vì ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội bơi thuyền truyền thống mà từ xưa cho đến nay, dù chiến tranh bom đạn hay thời bình, lễ hội vẫn được tổ chức và nhận được nhiều hưởng ứng. Đua thuyền trên sông Cu Đê đã trở trở thành một dấu ấn ghi vào tiềm thức của người dân sống nơi Nam Ô cũng như người dân Đà Nẵng, là hoạt động không thể thiếu mỗi độ xuân về.