Tháng Tám về, mang theo những tia nắng rám vàng trái bưởi và những cơn gió nhẹ lùa qua cánh đồng lúa chín vàng. Trong làn gió ấy, người nông dân bắt đầu chuẩn bị cho mùa gặt, một mùa đầy vất vả nhưng cũng chan chứa niềm vui và sự gắn kết tình làng nghĩa xóm.
“Những ngày gió thổi vàng thóc lúa
Mẹ bảo mùa gặt đến hiên nhà
Bà con rộn ràng ra đồng như trẩy hội
Nụ cười vui chan chứa góc sân con…”
Từ tờ mờ khi gà còn chưa gáy, mẹ cũng như bao bác nông dân khác đã dậy thật sớm chuẩn bị mọi thứ cho ngày thu hoạch. Mẹ bảo rằng mùa vàng đã đến, nhìn ra con đường làng, thấy người người nhà nhà cùng nhau ra đồng, rộn ràng như trẩy hội.
Tôi nhớ ngày xưa, dưới cái nắng tháng tám như thiêu như đốt, các bác nông dân với làn da rám nắng, bàn tay chai sạn cắt từng bó lúa, những bước chân lấm bùn giữa cánh đồng mênh mông. Gặt lúa không bao giờ là công việc dễ dàng khi mọi người dùng đôi bàn tay, cùng với lưỡi liềm gặt hết một khoảng lúa lớn. Thương biết mấy khi thấy những giọt mồ hôi rơi thành từng dòng trên gò má mẹ, cùng khuôn mặt đỏ ửng lên vì nắng của cha.
Cánh đồng lúa vào mùa gặt như tấm thảm lụa vàng óng. Những bông lúa trĩu nặng cúi mình xuống, khi mỗi cơn gió thổi qua, cả cánh đồng lại rung rinh, tạo nên một làn sóng màu vàng rực rỡ. Đứng giữa cánh đồng ấy, lòng tôi luôn ngập tràn cảm xúc, vừa tự hào, vừa biết ơn. Khi còn nhỏ, tôi chưa hiểu giá trị của hạt gạo, mỗi lần ăn đều để dư và mẹ luôn nhắc nhở tôi về việc hạt gạo quý như thế nào nên phải ăn cho thật sạch trong bát. Cho đến những ngày sau, khi đã đến tuổi có thể phụ giúp cha mẹ, tôi mới thấu hiểu được lời mẹ nói ngày xưa. Hạt gạo là hạt ngọc trời ban, nó là kết tinh từ các nguyên tố trong đất trời, thêm vào đó biết bao nhiêu ngày tháng lao động miệt mài, là mồ hôi, là công sức lao động của người nông dân. Có nhiều khi tôi luôn tự hỏi, làm nông vất vả thế sao mà người dân quê vẫn làm, bởi lúa gạo không chỉ nuôi sống gia đình người nông dân mà còn biết bao gia đình khác nữa. Họ yêu công việc này, đó không chỉ đơn thuần chỉ là lao động mà còn là tình yêu thương, là sự gắn bó với mảnh đất quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn.
Nhờ vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những năm gần đây, việc thu hoạch lúa của người dân đã trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn nhiều. Các loại máy móc hiện đại như máy gặt đập liên hợp đã dần thay thế công việc thu hoạch bằng tay vốn rất vất vả. Những cỗ máy này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, giảm bớt công sức mà còn tăng năng suất thu hoạch. Cảnh tượng những người nông dân ngồi trên máy gặt, điều khiển máy một cách thành thạo, cùng với âm thanh rền vang của động cơ, đã trở thành một phần quen thuộc trong mỗi mùa gặt.
Một mùa vàng nữa lại về, mang theo niềm vui, sự ấm no và cả những giá trị của cuộc sống nơi làng quê. Mỗi hạt lúa chín, mỗi bó thóc vàng ươm đều là kết quả của bao công sức, sự cần mẫn của người nông dân. Mùa vàng không chỉ đánh dấu sự no đủ mà còn là thời điểm để mỗi người trong chúng ta dừng lại, suy ngẫm về lòng biết ơn đối với thiên nhiên, với những con người đã góp phần tạo nên bữa cơm ngon lành hàng ngày.