Tích cổ Cu Đê

nghe dòng sông kể chuyện

By In Chuyện 5 phút đọc

Cách trung tâm Đà Nẵng tầm 13km về phía Tây Bắc chính là nơi hạ nguồn của dòng sông Cu Đê, hay còn gọi là sông Trường Định. Sông Cu Đê bắt nguồn từ dòng chảy sông Nam và sông Bắc, giao thoa tại Vũng Bọt, từ đó chảy về phía Nam Ô, đổ ra vịnh Đà Nẵng.

Vũng Bọt – Bãi đá triệu năm

Từ trên cầu Nam Ô, ta tận mắt chứng kiến một bên là biển cả rì rào sóng vỗ, một bên là dòng sông thơ mộng chảy về từ phía núi non đẹp như một dải lụa vắt ngang qua giữa núi rừng. Những dòng nước ấy đã len lỏi vào bao nhiêu vách đá ngọn cây của rừng Trường Sơn rồi đổ về nơi biển cả bao la rộng lớn. 

Cái tên Cu Đê có nguồn gốc từ tên một ngôi làng cổ nằm bên cạnh dòng sông, ngày nay có tên là Thủy Tú. Cu Đê trưởng thành dần dần và vẫn lặng lẽ chảy qua Nam Yên, Phò Nam, Nam Định, ngắm nhìn cuộc sống bình yên bên bờ sông cũng như chứng kiến những vẻ đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên đã trao tặng cho Hòa Bắc.

Từ xa xưa, Cu Đê đã xuất hiện trong nhiều sách sử bởi địa hình sông núi phù hợp với các chiến lược quân sự.

Đại Việt sử ký toàn thư có viết về sự kiện vua Trần Anh Tông đánh Chiêm Thành năm 1312. Khi sắp khởi hành thì sứ thần Chiêm là trại chủ trại Cu Chiêm đến nạp cống phẩm của vua Chiêm là Chế Chí, Đoàn Nhữ Hài đã lệnh cho sứ thần về bảo Chế Chí phải đến thần phục. Khi vua Trần tới cửa sông Cu Đê thì bắt được Chế Chí đưa về an trí ở Gia Lâm, việc triều chính giao lại cho Chế Năng (em trai của Chế Chí).

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã Nam chinh, vào ngày 6 tháng giêng năm ấy, đạo quân Đại Việt do tướng Cang Viễn chỉ huy vượt Đèo Hải Vân, tập kích vào phòng tuyến Cu Đê bắt sống được Bồng Nga Sa, viên giữ cửa quan nơi này, tạo điều kiện cho quân Đại Việt tiến vào đất Chiêm. Thắng lợi này là thắng lợi quan trọng góp phần cho việc lập thêm đạo thừa tuyên thứ 13, Thừa Tuyên Quảng Nam.

Năm, 1635, khi Nguyễn Phước Nguyên mất, Nguyễn Phước Lan lên kế vị, Nguyễn Phước Anh lúc này ông là Tổng trấn Quảng Nam, sau nhiều lần bất mãn với anh trai mình đã lập mưu đồ tạo phản. Ông bí mật tập hợp các dũng sĩ, khi Nguyễn Phước Lan vừa lên ngôi, ông dấy binh tạo phản, đắp lũy Cu Đê làm kế cố thủ và bày thủy quân ở cửa biển Đà Nẵng. Tuy nhiên, Ký lục họ Phạm đã ứng và báo tin này nên Nguyễn Phước Lan đã hạ được lũy Cu Đê, giữ được xứ Đàng Trong.

Dưới thời nhà Nguyễn, bờ Nam Cu Đê được xây dựng thành một đồn kiên cố nằm trong hệ thống phòng thủ Đà Nẵng gọi là tấn biển Cu Đê. Đại Nam nhất thống chí có viết về nơi này: “Ở cách huyện Hòa Vang 27 dặm về phía bắc, tức chỗ cửa sông Cu Đê. Cửa lạch rộng 25 trượng thủy triều lên sâu 4 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 3 thước. Đầu đời Gia Long đặt một viên Thủ ngữ và thủ dân để tuần phòng ngoài biển, xét hỏi những người đi lại. Năm Ất Mùi (1775), Duệ Tông chạy vào Gia Định để Đông cung Dương giữ Cu Đê tức là chỗ này; năm Đinh Tỵ (1801) đầu thời Trung hưng, đại quân tiến đánh Đà Nẵng, sai Nguyễn Văn Trương đem binh thuyền đến đây để giữ chỗ hiểm…”

Trong cuộc tấn công đầu tiên của Pháp năm 1858, vào ngày 16-1-1860, quân của tướng Nguyễn Thao từ tấn Cu Đê đã hợp cùng quân của Trần Đình Túc (đồn Hóa Ổ) và Thống chế Nguyễn Trọng Thao (đồn Hải Vân) hai mặt tấn công quân Pháp, khai thông con đường từ chiến trường Đà Nẵng về kinh đô Huế.

Dòng sông ấy, không biết đã chứng kiến bao nhiêu sự kiện lịch sử, nhưng đến ngày nay vẫn bình yên trầm lặng như thuở nào, vẫn như người mẹ hiền chứng kiến “đàn con” ngày một trưởng thành, luôn cho đi không một chút mong cầu.